Logo
MarketingCopywriting

AIDA Là Gì? Công Thức Đơn Giản Mà Bất Kỳ Ai Viết Content Cũng Nên Nắm Rõ

AIDA là gì? Mình sẽ giúp bạn hiểu rõ mô hình AIDA gồm 4 bước: Attention, Interest, Desire, Action, và cách áp dụng nó để viết nội dung rõ ràng, thuyết phục và tạo chuyển đổi thực tế.

Xuất bản vào 7 tháng 7, 2025, 07:00 GMT+7
13 phút đọc
Cập nhật lần cuối 7 tháng 7, 2025, 07:00 GMT+7
Xem bài viết này bằng Tiếng Anh

Mục lục

Vì sao content bạn viết không mang lại chuyển đổi?

Viết content hay là một chuyện, nhưng viết sao cho người đọc dừng lại, cảm thấy liên quan và thực hiện hành động mới là điều khiến nhiều người viết phải trăn trở.

Mình từng dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để viết một bài blog, rồi ngồi nhìn lượt click bằng 0. Có lúc còn tự hỏi:

  • “Bài viết này mình thấy hay mà, sao không mang lại chuyển đổi?”,
  • “Có phải mình viết lan man quá không?”,
  • “Hay là… mình đã làm sai điều gì?”

Mình tin bạn cũng đã từng ở trong tình trạng đó – hoặc có thể đang trải qua. Và thật lòng, điều đó không phải do bạn không biết viết. Chỉ là bạn chưa có một cấu trúc đủ rõ ràng để dẫn dắt người đọc đi đến hành động.

Sau khi bạn biết đến AIDA, bạn sẽ nhận ra: viết đúng hướng không hề khó như tưởng tượng.

AIDA là một mô hình đơn giản với 4 bước: Attention – Interest – Desire – Action.

Từ lúc áp dụng AIDA, cách mình viết trở nên đơn giản hơn, rõ hơn, và quan trọng nhất: bài viết tạo ra có mục tiêu rõ ràng và thực sự khiến người đọc làm điều mình mong muốn.

Trong bài viết này, mình sẽ cùng bạn:

  • Hiểu rõ AIDA là gì và vì sao framework này tồn tại hơn 100 năm vẫn hiệu quả

  • Từng bước áp dụng AIDA vào nội dung thực tế (blog, bài bán hàng, social post…)

  • Và tất nhiên, có cả ví dụ cụ thể + checklist để bạn áp dụng luôn nếu muốn

AIDA, phương pháp cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời

AIDA là một framework kinh điển trong marketing, được dùng để viết nội dung có mục tiêu rõ ràng và dẫn dắt người đọc đi đến hành động. Tên gọi AIDA là viết tắt của 4 bước:

  • Attention – Thu hút sự chú ý

  • Interest – Gợi sự quan tâm

  • Desire – Kích thích mong muốn

  • Action – Kêu gọi hành động

Nghe có vẻ đơn giản, và thật ra… nó đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước. Nhưng đừng để sự “cũ kỹ” đó đánh lừa bạn.

Điều khiến AIDA vẫn còn được dùng đến hôm nay là vì nó bám rất sát hành trình ra quyết định của người đọc. Dù bạn viết một bài quảng cáo, blog, bài social hay thậm chí là email – AIDA vẫn có thể áp dụng cực tốt.

Thay vì viết theo cảm tính, AIDA giúp bạn:

  • Biết rõ bắt đầu từ đâu

  • Dẫn dắt nội dung mạch lạc, không lan man

  • Và quan trọng nhất: kết thúc bằng hành động rõ ràng

Giải phẫu từng bước trong AIDA (và cách áp dụng vào nội dung thực tế)

AIDA nghe có vẻ đơn giản, chỉ là bốn chữ cái đại diện cho một chuỗi hành động tâm lý: Attention – Interest – Desire – Action. Nhưng càng viết nhiều, mình càng nhận ra: những công thức đơn giản nhất lại thường là thứ giúp mình tháo gỡ những thứ phức tạp.

Và AIDA làm được điều đó – bằng cách chia rõ hành trình mà người đọc đi qua, từ lúc họ lướt qua một dòng mở đầu, cho tới khi họ thực sự quan tâm, muốn tìm hiểu sâu hơn, và cuối cùng là… hành động.

Attention – Khi bạn chỉ có 3 giây để khiến người đọc dừng lại

Trước khi người đọc quyết định đọc bài viết của bạn, họ cần có lý do để… dừng lại. Đơn giản vậy thôi. Mọi bài viết đều bắt đầu từ một khoảnh khắc rất ngắn: người ta lướt ngang qua, ánh mắt quét qua một tiêu đề hoặc một dòng mở đầu. Và nếu không có gì khiến họ chú ý trong khoảnh khắc đó, họ sẽ lướt tiếp. Không do dự.

Đó là lý do tại sao Attention là bước quan trọng nhất trong AIDA – vì nếu bạn không có sự chú ý, bạn cũng chẳng có cơ hội để truyền tải bất kỳ điều gì tiếp theo.

Vậy làm sao để thu hút được sự chú ý?

Cách mình hay dùng là đặt mình vào đúng tâm trạng và hoàn cảnh của người đọc. Họ đang nghĩ gì? Họ đang gặp vấn đề gì? Có gì đang khiến họ cảm thấy bức bối, mơ hồ, hoặc băn khoăn? Sau đó mình thử viết một dòng mà nếu mình là họ, mình sẽ không thể lướt qua ngay được.

  • Đôi khi là một câu hỏi.
  • Đôi khi là một tình huống quen thuộc.
  • Đôi khi chỉ là một sự thật đơn giản nhưng gợi ra cảm giác: “Ủa, cái này giống mình ghê.”

Ví dụ như mở đầu bài viết này, mình bắt đầu bằng “Vì sao content bạn viết không mang lại chuyển đổi?“. Mình biết đây là một cảm giác rất nhiều người viết nội dung từng trải qua và mình cần nhắc đến nó ngay đầu tiên để tạo kết nối.

Attention không phải là giật tít. Cũng không phải “câu view”. Nó là cách bạn cho người đọc thấy: bạn hiểu họ đang ở đâu, và bài viết này đáng để họ dừng lại một chút. Nếu không có sự chú ý, thì mọi thứ sau đó – dù hay đến đâu – cũng vô nghĩa.

Interest – Khi người đọc bắt đầu thấy: “Hình như cái này có liên quan tới mình”

Thu hút được sự chú ý là bước đầu tiên, nhưng nó chưa đủ để giữ người ta ở lại. Người đọc có thể thấy tò mò, nhưng nếu sau vài dòng đầu họ nhận ra “à, chắc không dành cho mình đâu”, thì họ sẽ rời đi. Và đó là lý do vì sao phần Interest rất quan trọng: nó phải làm rõ cho người đọc biết rằng nội dung này thật sự liên quan tới họ.

Với mình, Interest giống như một lời xác nhận. Một cách để nói rằng: “Ừ, mình hiểu bạn đang gặp gì, và bài viết này sẽ cùng bạn gỡ nó ra.” Không cần nói to tát. Chỉ cần đủ chân thành, đủ gần gũi – để người đọc thấy rằng họ đang ở đúng chỗ.

Cách mình thường làm là mô tả lại đúng hoàn cảnh mà người đọc đang gặp. Không khẳng định, không giả định – chỉ đơn giản là gợi lại cảm giác quen thuộc đó. Kiểu như:

  • Bạn từng dành cả buổi chiều để viết bài, rồi ngồi chờ… mà chẳng ai tương tác?
  • Bạn có từng thấy nản khi viết xong một bài rất dài, rồi tự hỏi: ‘Liệu có ai đọc đến cuối không?’

Những câu như vậy không chỉ là để kể chuyện. Chúng có tác dụng giúp người đọc thấy chính mình trong bài viết. Và một khi bạn làm được điều đó, họ sẽ muốn đọc tiếp – không phải vì bạn hứa hẹn điều gì, mà vì họ cảm thấy bạn đang nói đúng điều họ đang nghĩ.

Với phần Interest, bạn không cần vội giải pháp. Chưa cần nói tới công thức hay mẹo gì cả. Việc bạn cần làm là xây dựng một không gian đủ tin cậy, đủ gần gũi, để người đọc nghĩ: “Ừ, mình muốn nghe người này nói tiếp.” Và khi bạn đã giữ được họ đến đây, phần tiếp theo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Desire – Khi người đọc bắt đầu muốn một điều gì đó rõ ràng

Sau khi người đọc thấy nội dung có liên quan đến mình, việc tiếp theo bạn cần làm là kích hoạt mong muốn. Nhưng không phải kiểu mong muốn mơ hồ, mà là một thứ gì đó cụ thể – dễ hình dung, dễ đạt tới, và khiến họ nghĩ: “Mình cũng muốn được như vậy.”

Ở bước này, người viết rất dễ rơi vào hai thái cực: một là quá mờ nhạt, hai là quá vội vã. Nếu bạn chỉ nói chung chung rằng “áp dụng cái này sẽ hiệu quả lắm”, người đọc sẽ không cảm được gì. Nhưng nếu bạn hấp tấp đưa ra lời kêu gọi hành động khi người ta còn chưa thực sự muốn, thì sẽ giống như mời ai đó ăn trong khi họ còn chưa thấy đói.

Với mình, cách hiệu quả nhất để tạo ra Desire là vẽ ra một viễn cảnh tốt hơn – nhưng vẫn trong tầm tay người đọc. Không viển vông. Không thổi phồng. Chỉ cần bạn cho họ thấy rõ: nếu áp dụng điều bạn sắp chia sẻ, họ sẽ nhận được gì – theo cách dễ hiểu và gần với trải nghiệm của họ nhất.

Ví dụ như với AIDA, mình không nói rằng nó sẽ biến bạn thành copywriter giỏi trong một đêm. Thay vào đó, mình chia sẻ thật: “Từ khi mình áp dụng AIDA, bài viết rõ ràng hơn, ít lan man hơn. Và mình bắt đầu thấy có người đọc đến cuối bài, bấm vào CTA, để lại phản hồi.” Đó là những kết quả đủ nhỏ để cảm thấy thực tế, nhưng cũng đủ lớn để người đọc muốn có được.

Điều quan trọng là bạn không được ép. Desire không phải là “hối thúc”. Nó là cách bạn giúp người đọc tự hình dung ra một kết quả tốt hơn và khiến họ muốn tự bước tiếp. Nếu bạn làm tốt phần này, họ sẽ tự đặt câu hỏi: “Vậy cụ thể là làm sao? Bắt đầu từ đâu?” Và đó chính là lúc họ đã sẵn sàng cho bước cuối cùng.

Action – Khi người đọc đã sẵn sàng chỉ chờ bạn chỉ đường

Đây là lúc quan trọng nhất – và cũng là lúc nhiều người viết lại bỏ lửng.

Bạn đã dẫn người đọc đi qua hết ba bước: họ chú ý, thấy liên quan, bắt đầu mong muốn một điều gì đó. Nhưng nếu bạn không chỉ rõ ràng bước tiếp theo là gì, thì rất có thể… họ sẽ lướt đi. Không phải vì họ không quan tâm, mà vì họ không chắc phải làm gì tiếp theo.

Mình từng ngại đặt CTA. Mình sợ bị cho là “đẩy sales” hay viết quá giống quảng cáo.

Nhưng sau nhiều lần bỏ qua, mình nhận ra: nội dung không có lời kêu gọi hành động giống như một cuộc trò chuyện hay mà không có kết nối tiếp theo. Nó trôi tuột. Nó kết thúc hẫng.

Vấn đề không phải là bạn có kêu gọi hay không, mà là bạn kêu gọi đúng cách hay chưa.

Một CTA tốt không nhất thiết phải là “mua ngay”, “đăng ký ngay”. Đôi khi nó chỉ đơn giản là:

  • “Thử áp dụng AIDA vào bài viết tiếp theo của bạn và xem điều gì xảy ra”

  • “Tải về checklist nếu bạn muốn có cấu trúc rõ ràng hơn khi viết”

  • “Đọc thêm phần tiếp theo để hiểu AIDA hoạt động tốt nhất trong trường hợp nào”

Tức là bạn đang mở một cánh cửa, không đẩy người ta vào.

Với mình, Action không phải là đoạn “chốt đơn”. Nó là phần dẫn người đọc đi xa hơn, sâu hơn. Và nếu họ đã đồng hành với bạn đến tận đây, thì một lời mời tiếp theo là điều rất nên có. Không chỉ để họ hành động, mà để mối liên kết giữa bạn và người đọc không dừng lại sau một lần chạm.

Một bài viết hay có thể khiến người ta gật gù. Nhưng một bài viết có CTA đúng lúc sẽ khiến họ làm gì đó cụ thể và nhớ tới bạn nhiều hơn.

Khi nào nên dùng AIDA (và khi nào thì không)

AIDA là một framework đơn giản, dễ nhớ và cực kỳ hiệu quả khi bạn cần dẫn dắt người đọc đi đến một hành động cụ thể. Tức là họ không chỉ đọc rồi lướt đi, mà sẽ làm gì đó sau bài viết, như bấm nút, để lại thông tin hoặc đơn giản là đọc tiếp một bài khác.

Với những nội dung kiểu “one shot” như quảng cáo, landing page, email bán hàng hay các post có mục tiêu chuyển đổi cao, AIDA thật sự phát huy sức mạnh. Nó giúp bạn đi đúng hành trình: thu hút, giữ lại, khơi gợi mong muốn, chốt hành động. Nhanh gọn, rõ ràng.

Nhưng cũng chính vì tính “dẫn dắt hành vi” rất rõ này mà AIDA đôi khi không phù hợp. Bởi, có những bài viết không nhất thiết phải kết thúc bằng hành động.

Có những lúc bạn chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn, kể một câu chuyện để xây dựng sự gắn kết với người đọc. Nếu cứ gò bó theo cấu trúc AIDA, bài viết có thể trở nên gượng gạo và thiếu tự nhiên.

Trong những tình huống như vậy, mình thường chọn một hướng khác, chẳng hạn như dùng RIOA.

RIOA là một framework cũng gồm bốn bước: Reader, Idea, Offer, Action. Nghe có vẻ giống AIDA, nhưng cách tiếp cận rất khác. Nó bắt đầu từ người đọc. Bạn cần xác định rõ họ là ai, họ đang nghĩ gì, gặp khó khăn gì. Sau đó mới đến phần Idea, tức là ý tưởng bạn muốn chia sẻ, rồi mở rộng sang Offer (giải pháp cụ thể), và cuối cùng là Action (nếu cần).

Điểm mạnh của RIOA là rất linh hoạt. Bạn có thể dùng nó để viết blog chia sẻ, viết phân tích hoặc cả những nội dung mang tính cá nhân, nơi mà sự đồng cảm và thấu hiểu quan trọng hơn bất kỳ khuôn mẫu nào. Còn nếu bạn không dùng framework nào cả, bạn vẫn có thể bắt đầu bằng một câu chuyện. Viết kiểu đó không nhanh, nhưng cực kỳ thật.

Đọc thêm về cách Làm Chủ Framework RIOA Để Biến Mọi Nội Dung Thành Cỗ Máy Chuyển Đổi

Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là bạn dùng công thức nào, mà là bạn có hiểu rõ mình đang viết cho ai, và muốn họ cảm được điều gì hay không. Framework chỉ là công cụ. Nó hỗ trợ bạn, nhưng không thay thế được sự thấu cảm.

Khi bạn bắt đầu từ điều đó, thì AIDA, RIOA hay bất kỳ công thức nào cũng sẽ chỉ là phương pháp, bạn không được phép giới hạn bản thân chỉ trong một phương pháp hoặc một cách làm nhất định

Hãy áp dụng AIDA ngay bây giờ

AIDA không phải công thức thần kỳ, nhưng là một khung sườn đáng tin cậy. Khi bạn biết cách dẫn người đọc đi qua từng bước, bắt từ chú ý đến hành động bài viết sẽ rõ ràng hơn, có mục tiêu hơn và chuyển đổi thành kết quả hơn.

Giờ là lúc bạn thử áp dụng.

Hãy chọn một bài viết, một kịch bản video, hoặc bất kỳ nội dung nào bạn đang làm, và thử viết lại theo AIDA. Khi xong rồi, nếu muốn có thêm góc nhìn từ người ngoài, cứ gửi mình xem. Mình luôn sẵn sàng góp ý nếu bạn cần.

Về tác giả

Lương Tuấn Anh

Mình xuất phát từ marketing, nhưng thích tự tay xây cả sản phẩm lẫn thương hiệu. Blog này là nơi mình ghi lại những gì học được khi biến ý tưởng thành thứ có thể chạm được, thấy được.

Theo dõi tôi:

© 2025 Luong Tuan Anh. All rights reserved.